in

Mọi mối quan hệ rồi sẽ nhạt nhòa như thế

Mọi mối quan hệ đều sẽ nhạt nhòa như thế
Mọi mối quan hệ đều sẽ nhạt nhòa như thế

“Đúng, em nói rất đúng.”

“Kiến Thanh, I miss you.”

“Anh cũng nhớ em.”

“Ý em là, em đã bỏ lỡ anh rồi.”

Trong đời sẽ có một vài người, lẳng lặng mỗi lúc mỗi cách xa, cuối cùng trở thành người dưng ngược lối. Tôi từng đọc được một nhóm các “công thức”:

Tôi không hỏi + bạn không nói = hiểu nhầm.

Tôi hỏi + bạn không nói = xa cách.

Tôi hỏi + bạn nói = tôn trọng.

Bạn muốn nói + tôi muốn hỏi = ăn ý.

Tôi không hỏi + bạn nói = tín nhiệm.

Trước đây chúng ta đều tưởng rằng có thể bên nhau suốt đời, có thể vì đối phương mà xông pha khói lửa, nhưng đến khi mỗi đứa một phương, bớt đi sự liên lạc rồi mới biết, hóa ra thời gian và khoảng cách có thể đánh bại tất cả.

Là bạn bè, tôi có tâm sự nhưng bạn không quan tâm mà lại đổ vấy rằng tôi không biết điều. Mới hôm nào còn thề thốt sắt son nhưng đã sớm bằng mặt chẳng bằng lòng. Mối quan hệ của chúng ta bởi thế mà dần trở nên nhạt phai, tôi không hỏi mà bạn cũng chẳng nói, tiếp đó đôi ngả chia ly.

Có một câu nói khá phổ biến: “Nếu người muốn đi, tôi nhất định không giữ lại”, song thực ra trong lòng bạn chưa chắc đã nghĩ vậy. Nếu người kia đi rồi, có lẽ bạn vẫn sẽ chần chừ xem người ấy có còn ở đó hay không. Đồng thời một người kiên cường và hiểu chuyện như bạn sẽ tự nhủ rằng, dù không có người đó thì bạn vẫn có thể sống tốt. Song người trốn trong góc òa khóc, cũng chính là bạn.

Thực ra hẳn tiếng lòng của bạn là: làm ơn xin anh hãy ở lại, em thực sự rất đặt nặng anh. Bạn biết dẫu không có người đó thì bạn vẫn có thể sống tốt, nhưng vào khoảnh khắc lạc lõng kia, chẳng phải vì mất đi ai mà là bạn chợt nhận ra rằng, nếu bạn không níu kéo thì họ chắc chắn sẽ rời đi.

Bất kể là tình bạn hay tình yêu thì thể nào cũng phải có một bên bỏ ra nhiều hơn, và cũng hiển nhiên phải có một bên chủ động hơn. Chỉ có điều, những mối quan hệ kéo dài đã lâu sẽ xuôi theo sự chủ động của một bên mà dần dà khiến cả hai đều chủ động bỏ ra, còn những mối quan hệ đã nhạt nhòa thường thì bên chủ động bỏ ra sẽ không nhận lại được đền đáp.

Có một số người thử dùng “sự ra đi” để thử nghiệm lòng người để rồi phát hiện ra rằng, hóa ra đôi lúc lòng người không vượt qua nổi thử nghiệm.

Có một số người lựa chọn rời bỏ là một sự quyết định đã được cân nhắc dài lâu chứ không phải là nhất thời nghĩ thế. Bỏ lỡ, không phải là sai, mà là đã qua rồi.

Nhà văn Chu Sinh Hào từng viết cho người vợ Tống Thanh Như một bài tên là “Giá cô thiên”, câu cuối cùng là: “Bất tu nhĩ tấn thường tư bạn, nhất tiếu đê đầu ý dĩ khuynh”. Hồi trước tôi cứ ngỡ ý của câu đó là: chỉ cần Tống Thanh Như cúi đầu mỉm cười là sẽ khiến ông ấy xiêu lòng. Nhưng nếu bạn biết được câu chuyện tình của họ thì sẽ hiểu “cúi đầu” đó có nghĩa là gì.

Tống Thanh Như là một tài nữ vừa độc lập vừa có tài thời Dân Quốc. Sau khi gặp được Chu Sinh Hào, hai người gửi thư truyền tình cho nhau, mỗi lần Chu Sinh Hào nhận được thư của bà là ông hạnh phúc muôn phần. Trong những bức thư tình Chu Sinh Hào viết gửi cho Tống Thanh Như, ông gọi bà bằng mười mấy kiểu xưng hô khác nhau như bảo bối, nàng, cô bé ngốc, em thân thương, Tống Nhi, cô gái bướng bỉnh, vân vân. Từ đó có thể thấy được sự yêu thương và cưng chiều của ông dành cho bà.

Mỗi lần Chu Sinh Hào tỏ bày với Tống Thanh Như, ông đều bảo “được” với bà, nói là làm. Sau khi kết hôn, Tống Thanh Như từ một tài nữ trở thành bà chủ gia đình, một ngày ba bữa, mấy thứ lặt vặt hằng ngày, gì cũng bận tâm lo lắng. Còn Chu Sinh Hào thì chăm chú vào dịch cuốn “Shakespeare”. Làm một nữ thanh niên tri thức vào thời đại đó là quý giá biết nhường nào, nhưng bà vẫn nguyện lòng hy sinh vì người mình yêu. Họ cùng sóng vai cùng vượt qua mọi khó khăn, nhưng nguyên nhân lớn nhất ấy là họ sẵn lòng “cúi đầu” vì nhau.

Chu Sinh Hào tài hoa xuất chúng nhưng không bao giờ bủn xỉn trong tình yêu, ông dùng cách riêng của mình đễ dỗ vợ vui lòng, sẵn sàng hạ thấp vị trí của bản thân trong tình cảm. Còn Tống Thanh Như cũng vì yêu nên mới nguyện lòng nhượng bộ.

Mọi sự không “chịu thua” chẳng qua chỉ là chưa đủ yêu mà thôi. Nếu chỉ mỗi một bên cúi đầu còn bạn cũng không chịu nhường nhịn thì dần dà sẽ trở thành “tôi cũng không cúi đầu”, cả hai sẽ không bao giờ như trước được nữa, mà mối quan hệ sau này cũng sẽ trở nên nhạt dần.

Mọi quan hệ nếu biết nhường nhịn lẫn nhau và thay nhau cúi đầu thì sẽ không tan rã.

Thường thì người cuối cùng ở bên bạn có lẽ tình cảm không phải là nhiều nhất nhưng chắc chắn là thích hợp nhất. Đời người mấy ai có thể cùng bạn rảo bước qua mấy chục độ xuân thu, đa phần cũng chỉ là thuận đường sóng vai được một đoạn.

Hỡi người bạn cũ đã nhiều năm rồi không liên lạc, bạn có khỏe không? Tôi vẫn khỏe lắm, cảm ơn đã từng cùng tôi bước qua những tháng ngày nọ.

Hỡi người tôi đã từng yêu, anh vẫn khỏe chứ? Có lẽ đã từng yêu nhưng lúc này đây em chỉ mong anh sống tốt.

Thời gian chẳng đợi một ai, hãy tranh thủ tháng năm chưa già, gió đêm chưa lạnh mà hãy nói những gì nên nói, giữ lại những gì nên giữ, nhượng bộ những gì nên nhượng bộ, nhân lúc bạn vẫn còn tồn tại.

Mong mọi thứ dần xa đều là vì cửu biệt trùng phùng, trạm tiếp theo có thể hạnh phúc.

“Nếu như khi đó em không đi, vậy chúng ta của sau này liệu có khác không?”

“Nếu như lúc đó anh có dũng khí bước lên tàu, em sẽ ở bên anh cả đời này.”

“Nếu như khi đó em không chia tay với anh…”

“Rồi chúng ta cũng sẽ chia tay thôi.”

“Nếu như khi đó chúng ta có tiền, chúng ta có thể ở trong căn nhà to có ghế sô pha to.”

“Vậy có lẽ anh sẽ có mười cô nhân tình.”

“Nếu như khi đó chúng ta bất chấp tất cả cứ kết hôn thôi…”

“Vậy thì chúng ta sẽ ly hôn rất nhiều năm rồi.”

“Nếu như em có thể kiên trì ở bên anh đến cuối cùng.”

“Vậy có lẽ anh sẽ không thành công.”

“Nếu như chúng ta không rời khỏi Bắc Kinh.”

“Nếu như không còn có “nếu như” nữa.”

“Sau này chúng ta cái gì cũng có, chỉ là không có nhau.”

Quỳnh An – Dear.vn

5/5 - (2 bình chọn)
Chuyện cũ ở Tây An... đi tìm câu trả lời ma có thật hay không?

Chuyện cũ ở Tây An… đi tìm câu trả lời ma có thật hay không?

Hủy diệt 1 đứa trẻ, chỉ 5 giây là đủ...

Hủy diệt 1 đứa trẻ, chỉ 5 giây là đủ…