Chồng tôi luôn mua hoa và quà rất đúng ý tôi trong những ngày lễ, trừ khi tôi bảo là “anh đừng mua, hiện tại em không cần gì, mà mình còn cần tiền cho việc khác”. Không phải tôi dỗi hay thử lòng gì, mà thật lòng tôi nghĩ như vậy. Nếu nói thế rồi vẫn cố tình tốn đôi ba chục £ vào một bó hoa, tôi mới giận. Nhưng bình thường, nếu thích gì tôi sẽ nói thẳng: “em đang thích (hoặc cần) thứ này. Đến dịp tiếp theo anh hãy mua cho em, đừng mua linh tinh em không dùng được phí đi”.
Chồng tôi thường gọi điện cho tôi vào buổi trưa, nhiều khi chỉ để hỏi tôi đã ăn gì chưa. Nếu chưa thì cũng phải tự lo mà kiếm cái ăn chứ chồng tôi chẳng hơi đâu chạy về hầu được. Nhưng như thế là quan tâm đến nhau. Tôi thích như vậy nên ngay từ hồi mới quen nhau, tôi đã bảo: “nếu anh gọi điện như vậy em sẽ rất vui. Nó sẽ thành một thói quen, cứ đến giữa ngày là em sẽ nhớ đến anh vì biết là anh sắp gọi”. Vậy là 8 năm qua ngày nào chồng tôi cũng gọi.
Chồng tôi không bao giờ nói: “chuyện đấy anh thấy có gì đâu mà em phải làm quá lên”. Chồng tôi hiểu rằng cảm xúc của mỗi người đều khác nhau, và câu nói này thể hiện sự không tôn trọng. Vì đã có lần tôi nói: “thay vì nói như thế, anh hãy hỏi em tại sao việc đó lại làm em khó chịu. Vì chúng ta không thể áp đặt cảm giác của mình lên người khác. Muốn sống cùng nhau, phải hiểu và tôn trọng nhau”.
Chúng tôi thường ít cãi nhau về việc nhà cửa hay tiền bạc. Vì cả hai chúng tôi đều đã thống nhất tiền của ai thì cũng là của chung, khi định mua sắm hay chi tiêu gì lớn đều phải thông qua ý kiến của người kia. Không phải là xin xỏ hay báo cáo, mà đấy là tôn trọng. Việc nhà nếu muốn đối phương làm gì thì phải có lời đàng hoàng. Đừng cho rằng đấy là việc của người ở nhà, nếu không hoàn thành được thì đá thúng đụng nia.
Mỗi khi có việc ra ngoài, hay về muộn hơn dự định, chúng tôi đều thông báo cho nhau. Không phải là xin xỏ hay báo cáo, mà đấy là tôn trọng. Tôi có quyền được biết chồng tôi đang đi đâu, với ai, mấy giờ về, để có thể yên tâm đi ngủ khi mệt hoặc biết đường báo cảnh sát khi cần thiết. Và chồng tôi cũng vậy.
Chúng tôi có 3 nguyên tắc khi cãi nhau. Một là dù chuyện có thế nào cũng không được phép bỏ đi. Hai là không bao giờ được xưng hô “mày tao, anh tôi, cô tôi” mà luôn phải “anh-em” đàng hoàng. Ba là không tâm sự với người thứ ba (bất kể là bạn thân, bố mẹ, anh chị em) khi xích mích giữa 2 vợ chồng chưa được giải quyết xong. Việc này nhằm giữ gìn sự tôn trọng tuyệt đối với đối phương, và không tạo điều kiện cho bất kì yếu tố khách quan nào khác xen vào hôn nhân vốn là chuyện của 2 người. Bây giờ bảo nhắc lại lần cuối 2 đứa cãi nhau, tôi cũng chẳng thể nhớ nổi là lúc nào nữa. Cảm thấy sống với nhau thuận lợi như thế thì cần gì cãi nhau.
Hôn nhân, suy cho cùng cũng là một thoả hiệp dài hạn giữa hai con người. Có thể vì yêu nhau mà đến, nhưng để sống với nhau cần nhất vẫn là sự tôn trọng.
Muốn cái gì thì phải nói ra. Nói thế nào cho người ta không cảm thấy khó chịu và bị ép buộc là do sự rèn luyện và khéo léo của từng người. Đến một thời điểm, chỉ cần có nhau là tốt rồi, mọi thứ lãng mạn, lãng xẹt hay lãng nhách đều không quan trọng nữa.
Alicia Vu | coocxe.com