Hôm nay, bạn mặc cảm về điều gì? Với tôi, mặc cảm là khi một anh chàng cùng lớp nói rằng miệng tôi trông méo xệch khi cười. Không ai nhận ra rằng tôi đã cố tình lấy tay che miệng khi cười đùa với bạn bè suốt cả ngày hôm ấy.
Với một bạn nữ của tôi, mặc cảm là khi bạn thân cô ấy nhận xét rằng đùi cô trông rất to. Không ai nhận ra được lý do cô tạm biệt những chiếc quần sóoc, váy ngắn để trung thành với quần jeans dài khi đi ra ngoài kể từ ngày hôm ấy.
Những nỗi mặc cảm sinh ra từ lời nói như vậy hiện diện xung quanh chúng ta từng ngày. Chỉ có điều, ít ai đủ tinh tế để nhận thấy được. Ít ai quan sát đủ nhiều để nhận ra cái thoáng cau mày trên gương mặt người bạn của họ khi họ trêu đùa rằng cô ấy béo. Ít ai đủ nhạy cảm để nhìn thấu qua nụ cười gượng gạo trên môi các nạn nhân của bạo lực ngôn từ. Bạn có bao giờ tự hỏi sự tự ti về cân nặng của mình là tự nhiên mà có, hay là do một lời bình phẩm bâng quơ của chúng bạn? Bạn có bao giờ chấp nhận thu mình và từ chối các cuộc vui vì sợ bị chỉ trích là tẻ nhạt?
Bạo lực ngôn từ được dùng để chỉ hành động gây tổn thương người khác bằng lời nói. Nó để lại những hậu quả nặng nề về mặt tinh thần cho người nghe và thậm chí dẫn đến những căn bệnh tâm lý. Bởi vì xã hội vẫn mạo muội cho rằng hành động bạo lực này không đáng kể, nên các “hung thủ” của bạo lực ngôn từ càng khó có thể hiểu được tầm quan trọng của “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Xin đừng bao biện rằng bạn chỉ có ý tốt! Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng miệt thị người thừa cân chỉ khiến tình trạng của họ tồi tệ thêm.
Đối với người nói, nó là một câu bông đùa. Đối với người nghe, nó có thể là cả một lời miệt thị. Xin hãy cẩn thận hơn với lời nói của mình! Khi bạn buột miệng phát ra một câu xúc phạm người khác, cho dù bạn nghĩ nó chỉ mang tính chất đùa cợt, thì bạn cũng đang dùng chiếc lưỡi của mình như con dao không xương đâm nhiều nhát vào họ vậy.
Bạo lực ngôn từ là gốc rễ của sự mặc cảm. Để không vô tình làm tổn thương những người xung quanh bạn bằng lời nói, xin hãy cân nhắc những điều sau:
- Đặt bản thân mình vào vị trí của người khác trước khi bạn định nói điều gì không hay với họ. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi nghe những lời nào, vậy đừng đem những lời ấy đi nói với người khác.
- Tránh dùng những từ ngữ tiêu cực (xấu xí, hèn hạ, kinh tởm,…) và cố gắng giữ thái độ tôn trọng khi đưa ra ý kiến hay nhận xét. Ranh giới giữa bình luận, trêu đùa và xúc phạm rất mong manh.
- TUYỆT ĐỐI không đem ngoại hình của người khác ra đùa cợt. Họ không có quyền quyết định điều đó.
Chê bai và vô tình biến niềm hạnh phúc của một người thành nỗi ám ảnh, hay khen ngợi và đánh thức sự tự tin trong họ. Sự lựa chọn nằm ở các bạn.
Nhất Quỳnh | coocxe.com