in

9 điều du học sinh cần biết khi về Việt Nam từ nước ngoài

9 điều du học sinh cần biết khi về Việt Nam từ nước ngoài
9 điều du học sinh cần biết khi về Việt Nam từ nước ngoài

Chính phủ Việt Nam yêu cầu hành khách từng quá cảnh hoặc xuất phát từ các nước này trong 14 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh: 26 nước thuộc khối Schengen (Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ), Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Hoa Kỳ, 9 nước ASEAN (Brunei, Singapore, Campuchia, Lào, Malaysia, Phillippines, Myanmar, Indonesia và Thái Lan).

Với tình hình các nước đều dần thi hành chính sách lockdown – bế quan toả cảng, đóng cửa biên giới, thì việc về Việt Nam trước giờ đóng biên là lựa chọn của nhiều người.

Với số lượng các nước lên đến 41 nước, con số thật choáng về công tác tổ chức phòng chống dịch của nước ta. Đừng hoảng, như hội trại sinh viên, thanh niên từ khắp năm châu hay khoá tu mùa xuân thôi ý mà. Cách ly là trách nhiệm với cộng đồng. Đừng như 17 với 34, ăn gì cũng biết chỉ ăn năn là không biết nha!!!

Về tình hình quay trở lại Việt Nam hiện nay, Quỳnh xin tổng hợp từ các nguồn tin thân cận, anh chị em bạn bè trên FB và các học sinh Quỳnh hỗ trợ đi du học từ Mỹ, Hà Lan và các nước châu Âu khác để những bạn sắp về nước chuẩn bị tốt nhất cho bản thân nha. Viết bài này mà bồi hồi nhớ những ngày trại hè thanh niên sinh viên Việt Nam ở Châu Âu hồi trước, khi bạn bè từ khắp các nước quy tụ trải qua 3-4 ngày trại hè với nhau quá. Lần này các bạn đi hẳn 14 ngày, chắc chắn xúc động hơn mình ngày xưa hihi. Nếu còn ở châu Âu, đợt này cũng sẵn sàng nhập trại với bạn bè rồi đó.

Về hay ở?

Câu trả lời là: tuỳ phương án bạn và gia đình thấy an toàn nhất cho mình. Không có đúng hay sai ở thời điểm này, chỉ có phương án làm mình AN TÂM nhất.

Nếu nhà trường đảm bảo chỗ ăn ở, cách ly, bảo vệ an toàn, thì du học sinh hoàn toàn nên ở lại, vì đi về Việt Nam vẫn có nhiều nguy cơ lây bệnh qua chuyến bay, nơi công cộng. Đặc biệt với học sinh nhỏ dưới 18 tuổi, nếu ở nước đó có homestay/ktx đảm bảo thì gia đình hãy tin ở việc nhà trường sẽ chăm lo cho học sinh vì các em còn cần được giám hộ. Đảm bảo social distancing nếu lựa chọn không về. Ở lại thời đại dịch, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.

Với du học sinh Mỹ: trước khi về nước cần email báo cáo với DSO của trường về lịch trình về dự kiến, xin ký vào I20 để được về, hoặc xin gửi I20 về VN online + trình bày việc mình về sẽ đi cách ly 2 tuần khó có thể học online tại khu cách ly. Nếu DSO trường đồng ý, bạn yên tâm về nước, không sợ ảnh hưởng visa vì hiện Cục Di trú và Hải quan Hoa Kỳ đã đồng ý cho các sinh viên quốc tế về nước học online, nếu trường của sinh viên đồng ý và xác nhận với Cục và Bộ An ninh nội địa. Chi tiết tại đây

Với du học sinh các nước khác: visa dài hạn nên chỉ cần được trường thông báo có thể về nước và học online thì có thể về ngay + trình bày việc mình về sẽ đi cách ly 2 tuần khó có thể học online tại khu cách ly.

Các số điện thoại quan trọng ở Việt Nam

  • Lúc ở nước ngoài: Hotline: +84 981 84 84 84 2/
  • Khi có câu hỏi về sức khoẻ: Hotline của Ngành Y tế: 19009095
  • Hotline phòng chống dịch COVID19: 19003228

Tờ khai Y tế online sẽ tiết kiệm thời gian rất nhiều. Việc khai online trước khi lên máy bay chỉ tốn 5 phút nhưng sẽ tiết kiệm được vô số thời gian khi ở sân bay Việt Nam. Với những bạn chưa khai online sẽ phải chờ đợi ở sân bay để được khai, làm thủ tục sẽ đình trệ

Chỉ 5 phút có thể sẽ cứu 5 tiếng của đời bạn tại: https://tokhaiyte.vn

Hãng máy bay nào để về Việt Nam an toàn nhất?

Hiện giờ thực tế việc có thể lây lan virus trên máy bay là hên xui, nên đi hãng nào cũng vậy, không cần kén chọn, có vé thì cứ về thôi. Hiện nay hãng EVA, Qatar, VN Airline, British Air, Vietjet, Bamboo, Air France, vv thì đều có bệnh nhân nhiễm bệnh trên 1 số chuyến

Hãy chuẩn bị kỹ đồ dùng và kiên nhẫn chờ đợi!

Bình thường khi bay nước ngoài chỉ cần có mặt ở sân bay trước 2 tiếng, nhưng nay các sân bay kiểm tra y tế rất chặt, hãy ra trước ít nhất 4 tiếng. Hôm 16/3/2020, thời gian làm thủ tục ở sân bay Chicago lên đến 6 tiếng vì quá đông người và y tế kiểm tra quá lâu.

Chuẩn bị đầy đủ găng tay, kính, khẩu trang, mũ, chăn mỏng hoặc áo khoác, xịt khuẩn, chai cồn chiết nhỏ khoảng 50 ml, to quá không được mang lên, bình nước cá nhân để không dùng cốc nước trên máy bay. Mặc áo quần dài tay, máy bay thường khá lạnh nên cứ mặc kín luôn cho ấm lại không chạm vào đâu, bút để viết không phải dùng chung đụng, đồ ăn khô, bánh trái để ăn khỏi ăn đồ trên máy bay hoặc ăn lúc chờ đợi . Không dùng chăn trên máy bay.

Mặc quần áo cũ và mang theo 2 bộ áo quần nữa để thay xong vứt bộ vừa mặc khi đến điểm transit, khi về đến Việt Nam sau khi làm thủ tục hải quan cũng ra vệ sinh thay bộ 3, cởi bỏ bộ 2.

Nếu không có găng tay, rửa tay 30 phút 1 lần + mang giấy ướt để cầm vào các đồ dùng như hộ chiếu, tay nắm cửa.

Mang sẵn 1 số đồ như dép, khăn tắm, đồ dùng cá nhân vì ở khu cách ly sẽ không có và không dùng chung khi ở khu cách ly.

Trên máy bay

Tiếp viên sẽ phát tờ giấy khai thông tin y tế để tiếp tục khai trên máy bay. Khi khai phải khai đầy đủ các bệnh nếu có, nếu có tiền sử hút thuốc mà hay ho hắng, xoang nên hay bị mũi họng cũng ghi đầy đủ.

Trước khi vào chỗ ngồi xịt khuẩn, lau chỗ ngồi và các đồ sẽ tiếp xúc. Mang vài đôi găng tay, đến bữa ăn thì ăn xong lột bỏ găng tay thay đôi mới.

Uống nhiều nước. Cứ 15 phút uống một chút nước, để cho miệng và họng ko bị khô. Nếu như virus có vào cổ họng thì uống nước có thể làm virus trôi đi vào dạ dày và axít trong dạ dày sẽ tiêu diệt nó.

Thỉnh thoảng hít thở thật sâu vài phút để vệ sinh đường hô hấp.

Hạn chế nói chuyện không cần thiết trên máy bay, có bay về cùng bạn bè cũng không nô đùa cười nói ảnh hưởng người xung quanh và văng nước bọt.

Hạn chế ăn trên máy bay, khi mọi người cùng ăn nguy cơ phát tán rất cao. Nhớ ko tháo khẩu trang, mà chỉ kéo từ dưới lên để đưa thức ăn vào miệng nhẹ nhàng rồi lại kéo xuống nhai. Suất ăn trên máy bay hay có bánh mì, không dùng tay ăn bình thường, luôn dao dĩa đầy đủ. Tuyệt đối ko tháo khẩu trang trên máy bay xuống sân bay chỗ nào vắng người có thể tháo ra thở 1 chút rồi lại đeo tiếp.

Thủ tục ở sân bay trước khi về khu cách ly?

Nếu bay của Vietnam Airlines, sẽ hạ cánh ở Vân Đồn Quảng Ninh với chặng Hà Nội, và Tân Sơn Nhất với chặng HCM. Các chuyến bay về Hà Nội của các hãng khác vẫn về Nội Bài

Khi xuống máy bay, khách được đưa ra cửa riêng luôn, không đi cửa chung với khách đi các chặng không từ vùng dịch về

Sau đó, nếu đã làm online tờ khai y tế, được xếp sang 1 bên, nếu chưa sẽ được nhân viên, tình nguyện viên ở sân bay hướng dẫn điền tờ khai y tế online, xong xuôi screenshot màn rồi hình cho hải quan rồi điền vào giấy nộp cho bên y tế kiểm tra.

Tiếp tục chờ đợi, vui chơi về mẫu quốc rồi, không quạu nếu phải chờ đợi nha, hôm 17/3/2020 có nhiều người đợi tận 10 tiếng xong cãi cọ rồi chen lấn, vô duyên lắm ý. Thời buổi này nhân viên sân bay cố hết sức phục vụ, anh chị vui lòng kiềm chế với những người đang dang rộng vòng tay hi sinh bản thân để phục vụ Quý anh chị nha.

Ở Vân Đồn thì khách được chia các nhóm để về các khu cách ly luôn, còn ở Tân Sơn Nhất hay Nội Bài sẽ được xét nghiệm thử máu luôn. Khách nào có dấu hiệu ho sốt mệt mỏi được đưa thẳng về BV Nhiệt đới TƯ hoặc khu BV dã chiến Củ Chi, khách sức khoẻ có vẻ bình thường thì đưa về các khu cách ly.

Cập nhật 19/3/2020: sẽ không xét nghiệm ngay tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất nữa, tất cả hành khách sẽ được xét nghiệm tại khu cách ly để tránh làm ùn ứ đông đúc ở sân bay!

Khu cách ly – hội trại 14 ngày vui khoẻ có ích

Khi về khu cách ly, hành lý sẽ được để riêng để xịt khử khuẩn, xong thì tự bê lên phòng để dùng. Mọi người cố sắp xếp hành lý nhẹ thôi, đừng mang quà hay gì về giờ này, nhỡ ở tầng 5 của toà nhà không thang máy thì bê lên cũng đủ tăng thân nhiệt lên 38 độ thở hồng hộc sốt sình sịch đấy.

Ăn uống đồ dùng thì đều được lo đầy đủ, lúc ở sân bay cũng được phát thức ăn nhẹ, nói chung khoản ăn ko phải lo đâu, có khi đi trại hè về còn được nuôi thêm bé mỡ.

Khu cách ly cơ sở vật chất sẽ tuỳ nơi, có nơi còn không có nước nóng để tắm, vệ sinh chung, phòng 10 người, có nơi thì hiện đại sạch đẹp 2 người 1 phòng, nhưng đừng so sánh rồi than thân nếu lần đầu ở khổ. Nghĩ rằng về VN là an toàn rồi, sức khoẻ mới quan trọng cơ mà. Bạn mình về VN bằng vé thương gia, đi cách ly khu cũng khá cũ nhưng nói về là sướng rồi, ở thế này không khổ gì, vui lắm. Nên đừng so sánh tây tây ta ta nhé, tây tốt cái này ta tốt cái kia, ta về ta tắm ao ta rồi.

Giờ giấc sinh hoạt thì nhiều bạn report sống như đang ở khoá tu mùa xuân, sinh hoạt điều độ 5h30 báo thức, tập thể dục, xét nghiệm kiểm tra sức khoẻ mỗi ngày. 7h ăn sáng, 11h30 ăn trưa, 18h ăn tối, chưa kể các bữa xế và đồ ăn người nhà gửi lên.

Đồ ăn khu cách ly

Người nhà được lên gửi đồ trong khoảng 8-10h sáng. Nếu chỉ ăn nằm thì về đẻ ra bé mỡ là chắc chắn ạ, hãy xuống sân thể dục điều độ nâng cao sức khoẻ nha. Kiểm tra nhiệt độ mỗi ngày, xét nghiệm dịch, thử máu thường xuyên, có dấu hiệu gì là được chăm bẵm ngay, có khi mẹ mình còn không chăm mình thế ý chứ.

Nói chung, virus thực ra không quá nặng với người trẻ sức đề kháng tốt, nếu mình tự bảo vệ bản thân kỹ, và hạn chế lây cho cộng đồng, cách ly đảm bảo thì nếu có mắc bệnh các bạn trẻ cũng sẽ sớm khoẻ thôi. Với các bác lớn tuổi, cần cẩn thận hơn.

Ở trong khu cách ly, vui thôi đừng vui quá nha, vẫn tuân thủ social distancing nha, dù chắc khó lắm, đang đi trại xuân mà .

Nội quy khu cách ly

Mọi người đừng quá lo lắng, cũng đừng bài Tây, nếu Tây không có cái hay, thì chúng ta cần gì đi Tây. Bố mình là bác sĩ 40 năm nay, luôn nhắc mình khi đi nước ngoài, cầm thuốc quen uống, có bệnh thì về Việt Nam chữa, trước khi đi nước ngoài phải tiêm tất cả các mũi bệnh của xứ nhiệt đới như thuỷ đậu, cúm mùa, sốt rét, quai bị … không phải vì chê Tây, mà cơ địa mỗi dân tộc một khác, cơ địa của người VN sinh ra lớn lên ở VN thì bác sĩ VN chữa tốt nhất, nhiều bệnh xứ nhiệt đới bác sĩ nước ngoài có ít kinh nghiệm, hoặc đơn giản là bệnh đó tuyệt diệt bên kia rồi nên bác sĩ không có cơ hội tiếp xúc. Không phải chê bác sĩ Tây dở, mà là PHÙ HỢP.

Lần này đội ngũ y bác sĩ Việt Nam đã xuất sắc trong chống dịch, lên phác đồ điều trị phù hợp với người dân và tình hình bối cảnh Việt Nam, cũng như nhanh chóng thành công nhiều phương diện. Nhưng, cũng đừng phủ nhận y học phương Tây hay cao giọng chê họ ngu nhé. Mỗi nước có lựa chọn tốt nhất và y bác sĩ thấy phù hợp nhất cho nước họ. Cộng với kinh nghiệm của Việt Nam khi trải qua quá nhiều đại dịch trong thế kỷ 20 đến nay, phần vì hậu quả chiến tranh, vệ sinh chung và khí hậu. Mình về Việt Nam quê hương ôm ta vào lòng đã đủ rồi, đừng sân si chê người ta nữa, mình học ở nước họ mãi đó thôi.

Nếu dự tính đi học đi du lịch vào mùa thu, đừng quá lo lắng về việc tự đóng biên giới của nhiều nước hay cấm nhập cảnh, ngưng cấp visa, đây chính là động thái để nhăn chặn dịch bệnh tại thời điểm này để dịch bệnh sớm được kiểm soát. Lịch trình đi du học mùa thu 2020 vẫn nên theo đúng kế hoạch ban đầu, đừng chậm trễ thủ tục. Hãy nhìn Trung Quốc, Hàn Quốc thiệt hại nặng nề nhưng hiện đều đã qua đỉnh dịch sau thời gian phong toả đất nước và hạn chế đi lại.

Đa số các nước đều cho học sinh nghỉ học một thời gian, nên đừng lo về việc không kịp du học tháng 9 này vv. Các trường đều thay đổi kế hoạch về tuyển sinh và thời gian nhập học theo tình hình chung thế giới. Việc của mình, mình làm, đừng lo lắng thái quá. Nếu đã đóng tiền học mà không đi học được theo kế hoạch vì phỏng toả, cấm bay, hãy liên lạc ngay trường để dời lịch học, trường nào cũng sẽ có quy chế hoàn tiền vì trường hợp bất khả kháng, không mất tiền đâu mà sợ!

Dù ở đâu, hãy tự bảo vệ bản thân và đừng quên, Việt Nam ta giàu đẹp, cộng đồng, dân tộc ta luôn yêu thương nhau. Dù có đi bốn phương trời, Việt Nam luôn là nhà nhé.

Quỳnh | coocxe.com

5/5 - (1 bình chọn)
Cẩm nang phòng ngừa virus Covid-19 chủng mới nếu bị nhiễm

Cẩm nang phòng ngừa virus Covid-19 chủng mới nếu bị nhiễm

Đi du học có sướng không, khi bệnh tật ai sẽ ở bên?

Đi du học có sướng không, khi bệnh tật ai sẽ ở bên?