in

Thế giới này rất rộng, cuộc đời này rất dài và đàn ông ngoài kia rất đông

Thế giới này rất rộng, cuộc đời này rất dài và đàn ông ngoài kia rất đông
Thế giới này rất rộng, cuộc đời này rất dài và đàn ông ngoài kia rất đông

Lần trước mình đã nói về chuyện lấy được chồng tốt, hay có hôn nhân hạnh phúc hoàn toàn là do nỗ lực và tư duy của bản thân, chứ không liên quan gì đến may rủi cả. Có nhiều người tranh cãi rằng: ok, có thể lấy được chồng tốt là do bản thân, còn rơi vào nhà chồng tốt thì chắc chắn phải do may mắn. Thế nên hôm nay mình viết tiếp bài viết này.

Thứ nhất, mình phải làm rõ một quan điểm quyết định lối sống và tư duy của mình, đó là: mình tin vào may mắn, nhưng mình tin vào may mắn do chính bản thân tạo ra nhiều hơn. Tất cả mọi người đều có tỉ lệ gặp may mắn và xui xẻo giống nhau trong cuộc đời. “May mắn” và “may mắn do bản thân tạo ra” nó khác nhau ở chỗ “may mắn do bản thân tạo ra” là thứ bản thân chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ được.

Mình lấy ví dụ một chuyện: mình là một người chưa bao giờ trúng thưởng cái gì, nhưng con em Dương Yêu Đời lại là một đứa rất hay trúng give away. Điểm khác biệt giữa mình và nó là gì các bạn biết không? Không phải nó may còn mình đen đâu. Đó là nó rất hay tham gia bốc thăm trúng give away, còn mình không tham gia bao giờ. Các bạn đã dần hiểu ý mình muốn nói ở đây chưa? Sự may mắn của Dương là do Dương tự mang đến, bằng cách tham gia cực nhiều give away nên tỉ lệ trúng cũng cao hơn. Mình không trúng bao giờ đơn giản vì mình không tham gia, hoặc chỉ tham gia rất ít, nên tất nhiên là mình chả trúng cái gì bao giờ cả. Với nó, việc trúng give away chắc chắn cũng cần phải bỏ vào rất nhiều nỗ lực.

Quay lại luận điểm chính của bài, vậy thì việc rơi vào nhà chồng tốt có thể tự quyết định được bằng cách nào?

Mình không nói đến các thế hệ trước do hoàn cảnh và lối sống khác biệt quá xa, mình không có đủ hiểu biết để nhận định. Nhưng ở thế hệ của mình, của những bạn hay đọc những thứ nhảm nhí mình viết trên fb, thì chắc chắn không thể có chuyện đến xem mặt nhau 1-2 lần rồi cưới đúng không? Thế thì trong quá trình tìm hiểu nhau, tiếp xúc với gia đình bạn trai, các bạn chẳng lẽ không nhận ra cái gì sao? Đây, đây chính là lí do mình ghét cái câu “thông minh, xinh đẹp cũng không bằng may mắn”. Người thông minh chắc chắn không bao giờ thốt ra cái câu ấy đâu.

Trong quá trình tìm hiểu nhau, hệ giá trị của 2 bạn có giống nhau không? Mình chắc chắn hệ giá trị của bạn trai phần lớn được hình thành và ảnh hưởng bởi cách nuôi dạy của gia đình. Một người con trai tôn trọng phụ nữ, chắc chắn không lớn lên trong gia đình trọng nam kinh nữ. Các bạn đừng nhầm lẫn giữa hệ giá trị và tính cách. Rất nhiều người khi yêu hay tìm hiểu ai đó chỉ chăm chăm để ý tới tính cách và gia cảnh, công việc, mà quên mất thứ để chúng ta gắn kết lâu bền là Hệ Giá Trị (Core Value).

Ví dụ, hệ giá trị của bản thân mình là sống ngay thẳng, hướng thiện, bình đẳng, gia đình và con cái là ưu tiên hàng đầu. Vậy nên khi gặp một người có cùng hệ giá trị như vậy (chồng mình), thì dù hoàn cảnh lớn lên có khác biệt, tính cách có đối lập, công việc có không liên quan, thì chúng mình vẫn có thể yêu, hiểu và kết hôn sống hạnh phúc.

Mình vẫn nhớ có lần mình từng hỏi: “Nếu bây giờ con mình tham gia một cuộc thi mà người đứng đầu sẽ có một cơ hội tương lai rất tốt, con mình đứng thứ hai và chỉ cách nhau 0,5 điểm. Anh là người có thể nhúng tay vào thay đổi kết quả, anh có làm không?”. Chồng mình không do dự trả lời: “Không! Con mình mất cơ hội này sẽ còn có những cơ hội khác, mình không thể vì thế mà tước đi cơ hội và nỗ lực của đứa trẻ khác được”. Đó cũng là câu trả lời trong đầu mình vì hệ giá trị Sống Ngay Thẳng và Hướng Thiện của bọn mình giống nhau.

Một người đàn ông như vậy chắc chắn không thể được nuôi dạy bởi cha mẹ gian dối, độc ác, ích kỉ được đúng không? Mình chỉ tiếp xúc với bố mẹ chồng chính thức 2-3 lần trước khi quyết định cưới vì mình ở xa, nhưng mình hoàn toàn tin rằng họ là những người có cùng hệ giá trị với mình và gia đình mình, dựa vào những gì mình thấy ở chồng mình suốt 4 năm yêu nhau và vài lần tiếp xúc với bố mẹ chồng. Gia đình mình và gia đình chồng có thể khác biệt nhiều thứ, nhưng những Hệ Giá Trị mình nhắc đến trên kia thì hoàn toàn giống nhau. Tính cách con người có thể thay đổi qua thời gian hay hoàn cảnh, nhưng hệ giá trị thì hầu như rất khó.

Một người yêu cũ của mình từng kể một câu chuyện như sau: Mẹ anh ấy có 5 (hay 7 nhỉ) chị em gái, các gia đình sống rất gần nhau, nên bất kì bạn gái của anh con trai nào đến ra mắt đều phải vượt qua vòng thẩm định của 5 (hay 7) vị đó.

Ôi trời ơi xách váy chạy ngay đi chứ chần chừ gì? Bố mẹ mình đẻ mình ra đâu phải để cho người khác thẩm định? Mình lớn lên ăn học tu dưỡng thành người đâu phải để làm hài lòng ai đó thì mới được bước chân vào làm con dâu, hay được diễm phúc yêu con trai họ? Mình bổ sung là anh này rất hiền lành, nấu ăn ngon, cũng rất yêu chiều mình nhé các bạn. Nhưng vấn đề chính ở đây là thái độ của anh ấy khi kể cho mình câu chuyện đó: một thái độ đồng tình. Như vậy đối với anh này, việc vợ mình bị soi mói, thẩm định là điều hiển nhiên, trách nhiệm của vợ là phải làm vừa lòng những người trong gia đình anh ta nữa (nếu không chắc khó sống).

Tất nhiên mình không xách váy chạy ngay, nhưng khi nghe câu chuyện đó mình xác định người đàn ông này sẽ chỉ để yêu, không thể kết hôn. Mình không nói việc các bạn lấy người chồng như vậy là sai, miễn là bạn hạnh phúc thì không có gì sai cả. Mình không lấy vì mình biết chắc mình sẽ không hạnh phúc. Hệ giá trị của mình và gia đình anh ấy ko giống nhau. Tình yêu giữa hai đứa mình mới chỉ tồn tại vài tháng (hoặc thậm chí vài năm), nhưng hệ giá trị của gia đình anh ấy và bản thân mình đã tồn tại nhiều chục năm. Vậy thì cái gì dễ buông bỏ hơn? Đã thấy không ổn sao còn cố dấn chân?

Các bạn phải nhớ rằng thế giới này rất rộng, cuộc đời này rất dài, và đàn ông ngoài kia rất đông. Chúng ta luôn luôn có lựa chọn. Đừng vì áp lực tuổi tác, áp lực gia đình, hay vẻ hào nhoáng địa vị của một người mà ép bản thân nhắm mắt đưa chân.

Như mình vẫn luôn nói: “Nếu yêu nhau mà thấy cấn cấn, dù không biết là cấn cái gì, thì cũng nên xách váy mà chạy đi. Vì “cấn” là chắc chắn sai ở đâu đó rồi. Chạy đi đã, lúc nào bình tĩnh lại tính tiếp”.

P/s nhỏ: hồi chưa lấy chồng rất nhiều người bỉ bôi quan điểm của mình bằng câu “cứ lấy chồng đi rồi biết” hay “đàn ông đang tán khác với kết hôn nhiều lắm, lấy về mới lộ bản chất ra”. Đến bây giờ là gần chẵn 10 năm chúng mình sống với nhau, đã đi từ tìm hiểu, kết hôn đến có con; mình vẫn chưa thấy quan điểm của mình sai chỗ nào, cứ cho là mình đang vui mừng quá sớm, nhưng mình tin là nếu sau này có biến cố gì, thì cũng có một phần lỗi lớn do chính mình gây ra. Không ai lừa mình, không có may rủi, càng không phải “đàn ông lúc nào cũng xấu xa còn đàn bà lúc nào cũng khổ”. Muốn làm chủ cuộc đời thì trước hết phải dám thừa nhận trách nhiệm và sai lầm của bản thân đã các bạn ạ.

Alicia Vu | coocxe.com

4.4/5 - (13 bình chọn)
Sau 25 tuổi, hãy cưới một người "rất ra gì" hoặc thà ở vậy

Sau 25 tuổi, hãy cưới một người “rất ra gì” hoặc thà ở vậy

Là phụ nữ thì có cần nhất thiết phải đảm đang không?

Là phụ nữ thì có cần nhất thiết phải đảm đang không?