in

Sống sót chốn công sở nào có chỗ cho cô Tấm

Sống sót chốn công sở nào có chỗ cho cô Tấm
Sống sót chốn công sở nào có chỗ cho cô Tấm

Người ta thường ca ngợi về một “văn hoá công ty xem nhau như anh em trong một gia đình”, nhưng chắc chắn trong đó sẽ có những người anh em chăm chỉ, siêng năng, tốt bụng bị bóc lột sức lao động và bị giễu cợt đến thậm tệ.

Sẽ hơi khập khiễng một chút nếu so sánh việc đi làm chốn công sở cũng tương tự như việc nấu đám giỗ ở quê. Chuyện là chị gái tôi là phụ nữ thế hệ Sao Hoả nào đó mà đã 28, 30 tuổi vẫn không phân biệt được đâu là hành, tỏi, cũng không biết nấu ăn, tất cả đều trông cậy ở nhà hàng và cô giúp việc.

Dần dà mọi người cũng quen với việc đó và mỗi khi trong quê có đám giỗ thì việc của chị tôi là vác mặt về ăn rồi đi, không ai đòi hỏi gì thêm về chuyện nấu nướng. Còn tôi luôn là một đứa không chịu nổi việc vô công rồi nghề nên cuối cùng tôi luôn toát hết mồ hôi trong bếp, lọ mọ nấu cái này, nướng cái kia.

Nhiều lúc tôi cảm thấy mình ngốc thật, sao không chọn cách nhẹ nhàng, nhàn hạ như chị gái tôi cơ chứ. Thật ra chốn công sở cũng không khác gì mấy, nếu bạn là một người chăm chỉ, cần mẫn, luôn đi sớm, về muộn thì mặc nhiên bạn sẽ bị bóc lột, bị lợi dụng và đôi khi còn trở thành cái gai trong mắt mọi người.

Bạn còn nhớ thời đi học, cả lớp ghét nhất đối tượng nào? Đó chính là những kẻ bẻo mép “Thầy ơi, hôm qua có bài tập về nhà!”, “Cô ơi, hình như lâu rồi lớp chúng ta chưa chơi trò thảo luận nhóm”, “Mình kiểm tra 15 phút đi chứ cô, sắp hết học kỳ rồi ạ”. Chốn công sở, kẻ bị ghét lại là những người được xem như hoà đồng nhất, chịu khó làm lụng nhất, hay đóng vai “siêu anh hùng” nhất. “Muốn thể hiện để làm gì? Để làm nhóm trưởng, tăng lương hay là ghi điểm trong mắt sếp?” Những câu nói chỉ trích đó chẳng hề lạ lùng gì ở giới văn phòng. Nếu bạn từng là người tốt ở nơi làm việc, bạn sẽ biết rằng bạn luôn là tâm điểm của những cuộc nói xấu sau lưng, đối xử tệ hay bị chơi những trò tiểu xảo.

Người ta thường nói “Con sâu làm rầu nồi canh”, rõ ràng bạn chẳng phải là một con sâu, thậm chí còn đóng vai một hạt nêm thấm ngọt vị xương nhưng vẫn bị giễu cợt, ghét bỏ. Tại sao chốn công sở thường đề cao sự hoà đồng, văn hoá gia đình, vậy mà sâu thẳm trong nó lại là những sự bất công khó chịu nổi. Một nghiên cứu gần đây ở Canada đã chỉ ra lý do vì sao người tốt ở chốn công sở thường chịu thua thiệt.

Bạn trở nên nổi bật đã làm cho người khác lu mờ. Không ai bắt ép bạn phải chăm chỉ, hăng say làm việc, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho công ty cả. Bạn đóng vai siêu anh hùng thì tất cả những người còn lại đều là dân đen à? Người tốt chốn công sở khiến mọi người thấy kém cạnh, không có ích, bị bỏ lại phía sau, thừa thãi, mất vị trí.

Hoặc đơn giản, nếu bạn cũng là một người hai tay, hai chân, hai mắt như bao người khác thì hãy cứ làm một người bình thường đi đã. Việc bạn cứ đóng vai người hùng bay lượn trên bầu trời giải cứu công ty chỉ làm những người còn lại ganh tị, ghét bỏ đến mức chỉ muốn cắt dây cho bạn ngã dúi dụi xuống mặt đất mà thôi. Những sự việc tiêu cực, gian xảo, chiêu trò của chốn công sở cũng sinh ra từ đây.

Giáo sư Pat Barclay, tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Hầu hết chúng ta đều thích những người thân thiện, dễ gần – hay gọi chung là ‘người tốt. Nhưng khi người ta thấy mình bị đặt vào môi trường cạnh tranh như văn phòng làm việc, thì chuyện đó lại khác. Người tốt lúc đó sẽ bị ghét. Xu hướng này xuất hiện ở mọi nền văn hóa mà nghiên cứu xét đến”.

Vậy chẳng lẽ những người thẳng thắn, thật thà, tốt bụng đều thua thiệt ở chốn công sở hay sao? Đã từng có nghiên cứu cho rằng sự tử tế của chúng ta đôi khi kích thích những tính xấu của người khác. Và chính tác giả Barclay cũng không đưa ra bất cứ giải pháp nào cho sự thật này.

Giáo sư cho rằng: “Có lẽ giải pháp tốt nhất là tìm những đồng nghiệp tốt hơn. Nếu bạn bị chỉ trích vì quá tử tế hoặc làm việc quá chăm chỉ, vậy hãy tìm những người tốt bụng và chăm chỉ như bạn để kết bạn và liên minh để chống lại những điều tiêu cực trong công ty.” Vì rốt cuộc chẳng thể nào bạn lại đi biến mình thành một kẻ xấu xa, lười biếng tại chốn công sở cả.

Nếu bạn biết cách tự bảo vệ mình trước những lời chỉ trích thì cố gắng thêm một tí nữa thôi, bạn sẽ chứng minh được năng lực của mình và tiến lên ở một vị trí cao hơn trong công ty. Lúc đó, những người đã từng nói xấu, chỉ trích bạn sẽ lãnh đủ hậu quả.

Còn nếu như ngày ấy chưa đến thì bạn vẫn hãy cứ tin rằng không một công ty nào lại chứa những kẻ làm biếng, chỉ thích ngồi lê đôi mách kéo cả tập thể tụt hậu, những người ấy trước sau cũng sẽ bị sa thải mà thôi. Những người thẳng thắn, tốt bụng thường thua thiệt, nhưng nếu chỉ cần “rắn mặt” thêm một chút thì “có thể bạn không cao nhưng rồi tất cả cũng sẽ phải ngước nhìn bạn thôi”.

Phương Phương – Dear.vn

5/5 - (2 bình chọn)
Và chúng ta, ai cũng cần có một người chỉ để giấu đi

Và chúng ta, ai cũng cần có một người chỉ để giấu đi

Những ngày hè rực cháy ở Kohrong Saloem với 4 triệu đồng

Những ngày hè rực cháy ở Kohrong Samloem với 4 triệu đồng