Để tồn tại chúng ta cần phương tiện và cách thức. Xưa kia sinh thái loài người chỉ có 2 cách thức chính: muốn có lương thực thì đi hái lượm, muốn có thực phẩm thì đi săn bắn… Nhưng ở xã hội hiện đại, con người cần cách thức ở cấp độ cao hơn.
Thực tế, nhà trường ngày nay chỉ đa phần trang bị cho chúng ta phương tiện để kiếm sống, để tồn tại ở thế giới văn minh chứ không phải cách thức thực sự. Chúng ta học, chúng ta dạy kịp thời đại về phương tiện, và dù ở đâu, bao nhiêu tuổi chúng ta vẫn có thể học được, bắt kịp được. Ví dụ điện thoại là phương tiện giao tiếp, từ điện thoại bàn phát triển lên di động, rồi đến smartphone. Từ người trẻ đến người lớn tuổi, ở thành thị hay nông thôn đều có thể học cách sử dụng và bắt kịp tốc độ phát triển của nó. Nhiều vấn đề khác cũng vậy. Do đó, phương tiện thuộc thời đại và người ta luôn cải tiến nó. Con người thích ứng rất nhanh vì con người có nhận thức và ý thức.
Nhưng cách thức thì khác. Nhân cách chính là cách thức của con người. Cách thức thuộc về cá nhân, cá nhân thì đơn lẻ hoặc cộng đồng. Và nó thuộc về bản năng, nó hình thành từ rất sớm. Nó tồn tại trong vô thức, được mặc định dưới 2 hình thức, đó là vô thức dưới dạng não tiềm thức và gen.
Văn hóa làm khó nhau trong xã hội
Thế thì, cách thức được hình thành từ ngay khi chúng ta còn rất nhỏ. Thông qua giáo dục, văn hóa, gia đình, xã hội… Và từ cách thức hình thành nên nhân cách, tính cách, lối sống của con người. Xã hội cần có sự đào thải để phát triển, nhưng điều đó không có nghĩa là “làm khó nhau”.
Bạn đi làm, là nhân viên mới bị sếp gây khó dễ hay đơn giản là thờ ơ không quan tâm để phải quà cáp biếu xén mới có thể thoải mái hơn trong công việc; bạn đi làm thủ tục hành chính nhưng nhân viên hành chính chậm chạp, không làm đúng trọng trách gây phiền hà trong thủ tục, bạn lại phải đưa vài đồng để họ nhanh chóng cho được việc…. Văn hóa làm khó gần như tồn tại và đã hiện hữu từ rất lâu.
Vậy tại sao văn hoá bắt bẻ, làm khó nhau của chúng ta lại liên quan đến làm khó em bé, và nó ảnh hưởng như thế nào đến con khi trưởng thành?
Bởi vì nhưng điều đó sẽ tác động đến tâm lý, tư duy của bé. Những điều con nghe, đọc, cảm nhận, tiếp xúc là một dạng cách thức, nó hình thành từ sớm, từ trong tiềm thức. Khi bế trẻ con đi chơi người ta cứ bắt con “ạ”, hay bé đang chơi đồ chơi cũng giật lấy và bắt “ạ” thì mới trả lại. Hoặc ép con ăn cũng là 1 hình thức làm khó con, không muốn ăn nhưng vẫn phải ăn.
Làm khó trẻ con thì sau này lớn lên, bé sẽ có sẵn cách thức đó trong tiềm thức, trong bản năng, trong não cổ đại, trong văn hóa, trong vô thức. Bé sẽ rất thích làm khó người khác. Và khi bị người khác làm khó cũng sẽ cố chịu đựng, không lên tiếng được, không dám đưa ra chính kiến bảo vệ mình và người thân.
Học cách sống tích cực nhẹ nhàng với con
Lời nhắn là đừng bao giờ tự làm khó mình, cũng đừng làm khó người để người không làm khó mình. Hãy thiết kế cho cuộc đời mình thoải mái và dễ chịu. Và quan trọng hơn, đừng làm khó con trẻ.
Liệu pháp cho sự phán xét, bắt bẻ hay gây khó dễ người khác chính là lòng bao dung, cảm thông, là khi bạn đặt mình vào người khác trong hoàn cảnh đó. Một đứa trẻ lớn lên trong gia đình đầy lòng bao dung sẽ hiểu được rằng, vấp ngã là điều không thể tránh khỏi. Chúng sẽ học hỏi từ những sai lầm… “Trẻ em như trang giấy trắng” và công việc của người lớn chính là viết những điều tốt đẹp vào trang giấy đó…
Và hơn ai hết, mọi đứa trẻ đều lớn lên từ sự yêu thương của cha mẹ. Một người mẹ tốt không cần phải giàu có, cũng không nhất định phải tài cao học rộng. Mà là có một tấm lòng rộng mở, luôn vui vẻ an hòa, dù chuyện gì có xảy ra cũng không hề nóng giận từ trong tâm, và trên hết là dạy con biết nghĩ cho mọi người.
Dạy con quan tâm, dạy con thấu hiểu là để con biết yêu khi trưởng thành. Mẹ cần cho con nhận ra tình thương yêu mà con được nhận từ mọi người, từ một lời khen chân thành một món ăn ngon hay một món quà nhỏ, động viên khi con cố gắng. Ngừng ép con ăn trong nước mắt, ngừng đòi hỏi và bắt con thực hiện những yêu cầu vô lý…
Tình thương yêu có nghĩa là làm mọi điều cho người mình yêu được vui, được hạnh phúc. Người khắt khe phán xét, bắt bẻ người khác – họ chỉ yêu chính họ thôi, và họ cũng không nhận được tình yêu từ mọi người!
Nguyễn Duy Cương | coocxe.com