in

Đừng cho con cái đi du học chỉ vì một tấm bằng

Đừng cho con cái đi du học chỉ vì một tấm bằng
Đừng cho con cái đi du học chỉ vì một tấm bằng

Nói chuyện với cô em gái 17 tuổi mới sang du học, mình dặn: “Học kiến thức trong nhà trường chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc sống. Thời gian du học này, tranh thủ đi nhiều nơi, năng giao tiếp va chạm, quan sát, tăng cường kỹ năng mềm và tự học hỏi.”

Hay nói thẳng ra, khi đã đi du học, nếu chỉ chăm chăm lo học sao cho đứng nhất, nhì lớp, rồi mang một tấm bằng giỏi về báo đáp bố mẹ hoặc để làm tấm huy chương treo ngực cho oai thì chẳng cần đi đâu xa xôi, cứ học một trường đại học trong nước. Vừa đỡ tốn kém vừa vẫn vẹn tròn được giấc mơ học thức của bố mẹ cho con.

Việc mình nói như vậy có thể đi ngược với kì vọng của bố mẹ em. Nhưng đó là sự thật. Sẽ chẳng ở đâu ở đất Úc này nhận một người với tấm bằng cực giỏi nhưng kinh nghiệm không có, mà kỹ năng mềm lại kém. Kinh nghiệm chưa có thì tích lũy. Nhưng đi xin việc mà bạn không thể thể hiện được kỹ năng của mình thì chắc chắn sẽ bị đào thải. Tư bản không phải là đất nước của những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ giấy. Đáng tiếc là vậy đấy!

Quan sát để tự học hỏi và tăng cường kỹ năng rất quan trọng. Đó là điều mình vẫn dặn các con và cũng là cách mình gây dựng cho chúng trước khi làm mọi việc.

Đến nhà người khác, trước khi dùng nhà vệ sinh, quan sát xem độ sạch ra sao, đồ đạc để thế nào. Khi mình dùng xong, bắt buộc phải trả lại nguyên hiện trạng cũ. Dùng đồ của người khác không được phép làm nó tệ đi. Chỉ có thể trả lại đồ vật cho chủ nhân với nguyên tình trạng như khi mình mượn hoặc là phải tốt hơn.

Khi con mình đi học, gặp một câu hỏi khó, thay vì hỏi cô ngay, mình dặn con đọc đi đọc lại đề. Nghĩ lại xem cô đã từng giảng về vấn đề liên quan chưa. Tự tìm câu trả lời. Không ra thì thử hỏi bạn. Cuối cùng mới hỏi cô. Mình phải tự xoay xở với mớ bòng bong của mình trước khi nhờ người khác. Làm phiền mọi người là phương án bất khả kháng sau cùng.

Tự học hỏi, quan sát, bao quát, nắm tình hình, chủ động đó là điều mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào đều cần. Một ứng viên với tấm bằng cực đẹp, sếp giao gì làm nấy. Một ứng viên khác với tấm bằng tầm trung, giao tiếp tốt, sếp vừa nói câu thứ nhất đã hiểu để chủ động công việc và luôn đoán được việc tiếp theo. Ứng viên sau chắc chắn luôn được chào đón ở mọi môi trường.

Mình động viên em, đi làm thêm đi, nhưng đừng vì tiền, mà vì để tích lũy kỹ năng. Cái ấy vô giá. Đừng xin những công việc mà nhân viên phần đông là châu Á cho dễ giao tiếp. Bán cà phê cũng được, làm bánh cũng được, nhưng hãy xin vào cửa hàng mà chủ là người Úc bản địa và nhân viên chủ yếu là Úc. Để làm gì? Để học được sự chuyên nghiệp, chỉn chu, để cảm nhận được văn hóa Úc theo con đường bình dị nhưng thật nhất. Để tự mình nâng cấp chính bản thân mình.

Con mình có ước mơ đi du học ở Mỹ. Mẹ cực kỳ cực kỳ ủng hộ. Có ước mơ mà lại là ước mơ đến những nơi xa bố mẹ – chính là ham muốn tự luyện rèn mình. Nhưng mẹ chỉ thả cho đi khi có thể tự chăm sóc được bản thân, tự mình giải quyết được những việc liên quan đến mình, khi đã có nếp quan sát, ý thức tự học hỏi và kỹ năng mềm tốt. Và đi rồi, thì nhớ, đừng chỉ chăm chăm kiếm cái bằng giỏi.

Tấm bằng giỏi chẳng là gì đâu với một đất nước như Úc. Tấm bằng giỏi càng chẳng là gì đâu với một cuộc đời con người.

Thế nên, đừng ra rả bài ca con phải học giỏi. Hãy hướng con yêu học. Khi ấy ắt con sẽ học tốt ở mọi môi trường: trường học và trường đời. Bởi con đã có ý thức tự học từ tình yêu với sự tìm hiểu.

HaTrang Doan Pham | coocxe.com

5/5 - (2 bình chọn)
Tôn trọng cảm xúc cá nhân của con, để có cuộc đời đúng nghĩa

Tôn trọng cảm xúc cá nhân của con, để có cuộc đời đúng nghĩa

Phan Thiết vẫy gọi 4 ngày 3 đêm chỉ hết có 580k

Phan Thiết vẫy gọi 4 ngày 3 đêm chỉ hết có 580k