Nếu bạn đi ra biển và thấy một người đàn ông bơi sải nhưng chỉ bằng 1 tay, còn tay kia cầm điếu thuốc, đó chính là bố chồng tôi
Nếu bạn thấy một người đàn ông ở bãi biển cả người đen xì nhưng bụng có 2 vệt ngang trắng tinh thì đó chính là bố chồng tôi. Ông không bao giờ nằm phơi nắng mà toàn ngồi đọc sách dưới nắng, bụng gập thành 2 ngấn nên 2 ngấn đó ko bắt nắng.
Nếu bạn thấy ai dùng con chuột máy tính ngược, khi người đó di chuột xuống phía dưới thì con trỏ trên màn hình chạy lên trên, đó chính xác là bố chồng tôi.
Tôi chưa bao giờ gặp một người đặc biệt đến kỳ lạ như ông. Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi quý tộc nên ông không hề biết làm bất kỳ việc nhà nào giúp vợ kể cả việc nhỏ nhất. Hồi trẻ, bà nửa buổi đi làm ở công ty của ông, nửa buổi ở nhà quán xuyến việc nội trợ cùng với cô giúp việc. Sau khi có 4 đứa con thì bà nghỉ hẳn việc ở công ty ở nhà cơm nước giặt giũ cho ông. Có một dạo chúng tôi thấy ông mặc những bộ quần áo kiểu dáng cực kỳ cổ điển, cạp quần cao gần đến ngực (mà thời điểm đó đang mốt cạp trễ), hỏi ra mới biết rằng bà tuyên bố không giặt quần áo cho ông nữa. Người ta đi làm đến 60 được nghỉ hưu, bà giặt quần áo và nấu ăn cho ông suốt bao nhiêu năm giờ bà cũng đến tuổi nghỉ hưu. Thế là ông mặc quần áo đúng 1 tuần mới thay, nhưng ông không giặt mà ông vứt đi. Dần dần hết sạch quần áo thì ông lôi những bộ cổ xưa ra mặc. Đầu tiên là những bộ của thập niên 90, rồi lùi dần xuống 80, 70… Cho đến khi ông mặc bộ quần áo như của vua hề Sác-lô thì bà đành chấp nhận tiếp tục giặt quần áo cho ông.
70 tuổi bố chồng tôi mới bắt đầu sử dụng máy tính, và như tôi nói ở trên, ông để con chuột xoay ngược xuống dưới. Ấy vậy mà ông cực siêu, tất cả 4 người con của ông đều phải nhờ ông sửa máy tính mỗi khi có vấn đề. Ông sử dụng thành thạo và cập nhật rất nhanh các phần mềm máy tính mới. Cứ có máy tính thế hệ mới là ông mua ngay lập tức. Nhưng ông chỉ giữ lại 4 cái mới nhất, còn những cái cũ thì mang đi từ thiện.
Một lần ô tô chồng tôi bị hỏng, phải thay 1 bộ phận gì đó nhưng phải đợi 1 tháng để order từ Mỹ về, mà lúc đó chúng tôi chuẩn bị đi du lịch. Ông bảo: cho tao 2-3 ngày tao nghiên cứu rồi tao sửa cho. Ông mua sách về đọc, nghiên cứu. Ông cắt trộm 1 phần trong máy giặt của bà lắp vào xe thay cho bộ phận bị hỏng. Xe chạy ngon lành và máy giặt vẫn ổn.
Trước đây bố chồng tôi có một công ty về đầu tư bất động sản. Ông mua đất xây nhà rồi bán. Ông là kỹ sư xây dựng, nhưng ông tự thiết kế nhà luôn. Vừa đầu tư, vừa thiết kể vừa chỉ đạo thi công nên ông lãi từ gốc đến ngọn. Ông chỉ thích ô tô Mercedes nên có một bộ sưu tập từ xe nhỏ đến xe lớn. Ông lấy làm hạnh phúc khi mỗi sáng vợ ông phải lựa chọn lấy xe nào để đi vào phố uống cafe. Tất cả tài sản ông làm ra đều để vợ đứng tên. Tài khoản ngân hàng thì vợ là chủ còn ông dùng thẻ phụ. Ông về hưu với số tài sản khá lớn. Nhưng rảnh việc ông quay ra chơi chứng khoán và bắt đầu thua lỗ. Càng thua ông càng cố gỡ và thua nhiều hơn nữa. Không những ông tiêu sạch số tiền dành dụm đựoc mà còn nợ mấy trăm nghìn Euro. Ông bà đành phải bán căn biệt thự song lập mà ông xây cho 2 cậu con trai lớn lấy vợ, tức chồng tôi và anh trai của chồng tôi, nghe đâu được 1 triệu euro. Một phần ông trả nợ và một phần gửi ngân hàng để ông bà lo tuổi già. Nhưng lần này bà là chủ tài khoản duy nhất, không cho ông động vào nữa. Mỗi tháng bà cho ông mấy trăm euro tiêu vặt thôi.
Ông có một khoản tiền nữa gửi ngân hàng trước đó, nhưng ngân hàng này đã dùng số tiền đó để đầu tư và thua lỗ nên ông coi như mất trắng. Chuyện này tôi không rõ lắm nhưng đại loại là ngân hàng sai, mà họ không chịu bồi thường cho ông. Ông muốn thuê luật sư kiện nhưng bà nhất định không chi tiền vì bà nghĩ đọ làm sao được với ngân hàng mà kiện. Trong mấy năm liền ông mua sách luật về tự đọc, tự học. Rồi ông thuê một luật sư hạng bét với số tiền tiêu vặt bà cho mỗi tháng dành dụm lại để đi kiện. Luật sư này chỉ việc làm theo những gì ông hướng dẫn, vì ông không có chứng chỉ hành nghề luật sư nên mới phải làm vậy. Cuối cùng ông thắng kiện, lấy lại được toàn bộ số tiền của ông gửi ngân hàng cộng cả tiền lãi bấy nhiêu năm. Nhưng chuyện này ông ỉm đi không cho bà biết vì sợ bà giữ nốt không cho ông tiêu.
Khi bà phát hiện ra thì bà điên tiết và không nói chuyện với ông nữa. Bà chuyển sang phòng khác ở cho tới ngày hôm nay.
Hè vừa rồi trước khi về Việt Nam tôi có một ít tiền mặt nhưng vội không kịp gửi vào tài khoản nên tôi gửi ông cầm hộ 2000€. Một tháng sau quay lại ông đưa cho tôi 2.600 € và bảo: “bố dùng tiền đấy đánh chứng khoán, nếu thua bố vẫn trả con 2000 còn thắng bao nhiêu bố cho con bấy nhiêu. Nếu con muốn chơi tiếp thì bố chơi tiếp cho, nhưng lần này thua thì con phải chịu”. Giời ạ, ông vẫn chứng nào tật nấy không bỏ được. Tôi bảo thôi thôi con không chơi đâu, con lấy tiền về.
Sáng nay mẹ chồng tôi gọi điện nói ông vừa đi cấp cứu. Vợ chồng chúng tôi lao ngay vào viện, ông 82 tuổi rồi nên rất lo. Tới nơi thấy ông có vẻ rất mệt, nước mắt vòng quanh, ông bảo “không biết tao có qua được không, tao mệt lắm, khó thở…”. Rồi ông bảo chúng tôi về nhà lấy sổ y bạ cho ông vì lên xe cấp cứu vội quá ông không kịp lấy. Chúng tôi hỏi ông có cần lấy điện thoại di động và xạc pin không, ông bảo không cần, tao mang đầy đủ đây rồi. Liếc qua túi áo ông tôi thấy 1 bên có hẳn 2 chiếc điện thoại to đùng, và bên kia là bộ xạc pin. Thương ông nhưng chúng tôi không nhịn được cười vì ông cụ 82 tuổi mê công nghệ, lên xe cấp cứu mà vẫn mang đầy đủ điện thoại và xạc pin, còn y bạ thì quên.
Chiều nay ông đã chat chit nhoay nhoáy với chúng tôi và bảo: chúng mày đừng vào thăm tao phải nói chuyện tao mệt lắm, nói qua chat thế này tao đỡ mệt hơn.
82 tuổi rồi nhưng ông vẫn chăm chỉ học dù chẳng biết học để làm gì. Ông như một cuốn bách khoa toàn thư sống. Mỗi khi có điều gì không biết, tôi hỏi chồng tôi mà chồng tôi cũng không biết thì tôi gọi điện hỏi ông. Giai đoạn này ông đanh học chụp ảnh. Ông yếu không đi lại được nên ông thường để những mẩu bánh mỳ ở cửa sổ phòng ông cho lũ chim đến ăn, và ông chụp chúng.
Dạo này ông ốm, mà không chịu nghe lời bác sĩ. Bác sĩ bảo ông phải uống 2 lit nước một ngày và cấm uống rượu, thì ông thay 2 lit nước đó bằng 3 chai bia và 1 chai tonic. Lúc tôi vào viện, ông nhờ tôi ra ngoài mua 1 chai tonic, rồi ông đổ nước trong chai nước khoáng mà bệnh viện phát cho ông đi và đổ nước tonic vào đó thay thế, để bác sĩ y tá không phát hiện ra. Tôi đến chịu ông. Tôi hỏi ông: bố có biết là bố làm như thế rất hại cho sức khoẻ không? Ông bảo: biết chứ, nhưng bố không thể uống được thứ nước lọc kinh tởm đó, bố nhịn uống thì bố còn chết trước.
Các bạn đã bao giờ gặp người nào như bố chồng tôi chưa?
Chúng tôi về nhà tìm sổ y bạ cho ông. Lần đầu tiên tôi vào phòng ngủ của ông từ khi bà chuyển sang phòng khác và ông biến nó thành vương quốc riêng. Bình thường ông không thích cho ai vào hết. Trước đây ông có studio ở tầng dưới, và ngày ngày, dù đã nghỉ hưu, đúng 8 giờ ông mặc quần áo chỉnh tề vào studio làm việc đến tận 8 giờ tối. Chỉ có giờ ăn trưa và ăn tối ông mới ngồi với cả nhà. Gần 20 năm kể từ lúc nghỉ hưu, mọi nghiên cứu phát minh của ông đều từ căn phòng ấy mà ra. Năm nay ông yếu nên ông dọn hết đồ về phòng ngủ và làm việc tại đó luôn, đỡ phải đi lên đi xuống.
Tôi không nhận ra căn phòng ngủ xinh đẹp của ông bà trước đây nữa, nó chật kín đồ đạc. Quanh giường là 4 cái máy tính, hơn chục cái máy ảnh, các loại máy khoan. Toilet đã được chuyển đổi chức năng thành thư viện và ông chuyển sang dùng toilet của con trai ở bên cạnh với lý do: tao vào thư viện thường xuyên hơn vào toilet, nên không cần toilet trong phòng ngủ. Mở ngăn kéo để tìm sổ y bạ tôi bất ngờ và hơi hoảng khi thấy một khẩu súng lục. Nhưng chồng tôi bảo đây là súng hơi thể thao thôi, không nguy hiểm chết người.
Xong nhiệm vụ lấy y bạ, chúng tôi bắt đầu nhiệm vụ thứ hai, theo hướng dẫn của ông mà tôi đã ghi âm vào điện thoại: đăng nhập vào tài khoản của ông để xem tình hình chứng khoán ngày hôm nay. Đầu tiên phải bật máy tính số 1 lên, tìm 1 file, trong đó sẽ có mật khẩu để bật máy tính thứ 2, trong máy tính thứ 2 sẽ có mật khẩu mở máy tính thứ 3…cứ thế chúng tôi đăng nhập được vào tài khoản của ông và chụp lại những dãy số xanh đỏ chằng chịt rồi mang cho ông xem.
Các hệ thống kết nối wifi với máy tính của ông cũng loằng ngoằng, chỉ có ông mới hiểu được. Mấy năm trước, mỗi lần từ Việt nam về Ý, chúng tôi toàn ở trong nhà ông bà. Khi tôi than phiền về wifi quá yếu do máy phát đặt cách xa phòng của tôi, ông liền cắt mấy lon coca cola và chế tạo hệ thống kích sóng cho tôi như trong hình minh hoạ dưới đây. Quả nhiên sóng wifi từ 1 vạch nhảy lên tận 3 vạch, tôi lướt FB cứ gọi là nhanh vèo vèo.
Tôi viết đoạn này khi đi trên đường vào thăm ông. Bây giờ tôi đã vào đến viện, ông đã khoẻ hơn nhiều rồi. Tôi cũng đã chuyển lời chúc của các bạn đến với ông và ông rất cảm động, cảm ơn các bạn rất nhiều.
Dang To Nga | coocxe.com